Featured Video

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

HƯỚNG DẪN THIỀN


1.Hướng dẫn Thiền - TT. Thích Chân Quang
Thiền định là phương pháp giúp ta định tâm và diệt trừ Bản Ngã.
Cuối cùng, chúng ta sẽ chấm dứt vô minh và chứng đạt giải thoát giác ngộ. Mục đích tối hậu của thiền định là đạt được Vô Ngã – Đại Bi


.I/CĂN BẢN:
Bạn phải hiểu rõ từng bước thực tập thiền để giúp bạn đạt được kết quả tốt nhất và tránh phản ứng phụ nhỏ nhặt nhất.
Tu tập thiền định cần trang bị ba tư lương cần yếu cơ bản là:
- Đạo Đức
- Công Đức
- Khí Công
I.1/ĐẠO ĐỨC
- Đó là sự thánh thiện, trong sáng nhất của nội tâm, lòng thương yêu chúng sinh và tâm khiêm hạ tột cùng.
- Đạo đức là đỉnh cao của thiền định và hợp nhất với thiền định một cách vững chắc. Cho dù bạn nổ lực nhưng thiếu đạo đức, bạn sẽ đổ vỡ về nhân cách và tu tập.
- Ba tâm hạnh căn bản của đạo đức là: Lòng Tôn Kính Phật – Từ Bi – Khiêm Hạ.
I.2/CÔNG ĐỨC
Đó là việc làm cho mọi người an vui và đem đến cho mọi người đạo đức và đạo lý.
- Gieo gì gặt nấy. Giúp người an vui sẽ đem lại kết quả an định nội tâm khi bạn hành thiền.
- Nhiều người hiểu lầm rằng tách mình ra khỏi cuộc đời sẽ dễ thanh tịnh tâm.
- Nhưng sự thật thì việc giúp mọi người hiểu Phật Pháp và hạnh phúc lại là nhân tố cơ bản và quyết định cho người tu thiền đạt kết quả tốt.
I.3/KHÍ CÔNG
Đó là sự luyện tập thường xuyên để duy trì tiềm lực, không những để thần kinh hỗ trợ việc nhập định được dễ dàng.

II/CÁCH THỰC HÀNH:
- Nếu là Phật tử, bạn hãy quỳ lạy Phật ba lễ.
- Trải vải hay đệm chiếu trên sàn. Dùng tọa cụ lớn hơn diện tích ngồi nhằm ngăn hơi ẩm dưới đất và được êm ái.
- Không bao giờ dùng bồ đoàn ngồi thiền. Bồ đoàn tạo cho bạn cảm giác dễ chịu và thẳng lưng. Tuy nhiên ngồi thẳng lưng làm cho bạn không cố gắng giữ tư thế đẹp.
Sự thật là khi nỗ lực giữ lưng thẳng thường xuyên, bạn sẽ có sức mạnh tinh thần về sau.
Hơn nữa, khi trọng lượng cơ thể chia ra bốn phần đều nhau (mông và đùi), bạn sẽ thấy ngày càng dễ chịu hơn.
Trái lại, ngồi bồ đoàn làm cho bạn đau cấn bởi vì trọng lượng cơ thể trải hai bên mông không đồng đều.
Không có bồ đoàn, một chân của bạn vênh lên.
Đừng lo lắng lắm vì dần dần hai chân sẽ hạ xuống bằng nhau. Không có bồ đoàn, bạn có thể ngồi thiền thoải mái ở bất cứ đâu.
- Không mặc áo quần chật hay hở hang. Mặc áo tràng và ngồi thiền ở chánh điện hay nơi nào trang nghiêm và yên tĩnh.
- Ngồi nơi ánh sáng dịu và không có gió.
- Nên có thời khóa ngồi thiền hằng ngày. Nếu không, ngồi thiền lúc nào thuận tiện và sau bữa ăn khoảng một tiếng đồng hồ.
- Không bao giờ ngồi thiền khi còn no bụng.
- Không bao giờ khoe hay ngồi thiền cho mọi người thấy để tránh tổn phước về sau.
Ngồi kiết già:
  • Gát chân trái lên chân phải.
  • Bắt chân phải lên chân trái.
  • Cố gắng ngồi kiết già để khóa chặt cả thân lẫn tâm.
  • Không ngồi bán già.
  • Khi tréo chân kiết già, vì chân phải đè lên khớp bàn chân trái, bạn sẽ thấy chân đau đớn và dễ bỏ cuộc.
  • Tạm thời bạn có thể dùng cái khăn kê dưới bàn chân trái. Người già gân xương cứng nên xoa bóp trước khi ngồi thiền.
  • Hai chân đặt lên đùi vừa phải, không sát cũng không xa hông.
  • Giữ lưng thẳng, không chồm tới, không ưỡn ngực để tránh sự gồng cứng thân và căng thẳng tâm.
  • Giữ vai cân bằng, xuôi tự nhiên.
  • Đặt bàn tay trái nằm trên bàn tay phải.
  • Hai bàn tay ngữa lên và đặt ngay trên hai gót chân.
  • Hai đầu ngón cái chạm nhẹ vào nhau.
  • Giữ hai lòng bàn tay thẳng, đẹp.
  • Hai cánh tay không ép sát hông.
Tuy có vẻ mất công, nhưng đó chính là điều kiện làm tăng sức mạnh.
Nếu hai cánh tay lơi lỏng, tựa vào hông sau này sẽ trở thành chướng ngại khi vào định.
  • Không ngẫng đầu lên.
  • Hơi cúi xuống một chút.
  • Không nghiêng trái hay phải.
  • Lưỡi để trên chân răng.
  • Ngậm kín miệng tự nhiên.
  • Mở mắt nhìn vào một điểm trước mặt, cách khoảng 60cm – 70cm.
Lúc bắt đầu tu tập, bạn nên mở mắt để nhận biết thân mình có dao động, chao nghiêng hay không – điều này giúp bạn về sau không bị vọng tưởng.
Tuy nhiên, không nên chú ý ngoại cảnh. Chỉ khi nào bạn đạt được Chánh niệm tỉnh giác, bạn mới có thể nhắm mắt.
  • Sau khi ngồi đúng tư thế, khởi ba lời nguyện như sau:
1)Con nguyện luôn luôn tôn kính chư Phật.
2)Con nguyện luôn luôn thương yêu tất cả chúng sinh, hữu hình hay vô hình, loài người, chim thú, chúng sinh trong địa ngục và cả đến cỏ cây.
3)Con nguyện luôn luôn khiêm hạ đối với mọi người và chỉ xem mình như cát bụi.

III. ĐIỀU THÂN
Sau đó, chúng ta thực hành việc điều thân.
1.*Biết rõ toàn thân.
Giai đoạn này kéo dài vài tháng cho đến vài năm.
Tâm luôn luôn quay vào kiểm soát, biết rõ toàn thân để điều chỉnh các sai lệch của thân như lưng bị chùng, vai lệch, đầu nghiêng, hai bàn tay lỏng lẻo, mắt láo liêng, hai cánh tay ép sát vào hông…
Nếu bạn ngồi sai tư thế kiết già mà tự mình không nhận ra được có nghĩa là Cái Biết của bạn còn yếu.
Nếu bạn cố dằn ép để biết, nội lực sẽ tác động lên bộ não làm cho bạn bị nhức đầu.
Bạn nên biết rõ toàn thân nhẹ nhàng và tự nhiên vì thân dao động, gồng cứng hay dằn ép làm cho não bị ảnh hưởng theo.
Trong khi biết rõ toàn thân, tâm biết nhiều ở phần bụng dưới, hai chân và hai lòng bàn tay.
Lợi ích của việc biết rõ toàn thân như sau:
- Giúp thể trạng tốt hơn.
- Không bị buồn ngủ.
- Không bị vọng tưởng chi phối.
- Huân tập thành sức tỉnh giác để kiểm soát tâm dễ dàng.
2. Giữ thân mềm mại, bất động.
Song song với việc biết rõ toàn thân, phải giữ thân mềm mại mà bất động, toàn thân gồng cứng, nhúc nhích, mềm mại hay không.
Phải luôn luôn kiểm soát từng bộ phận của thân bạn, từ bắp thịt, ngón tay, ngón chân, đùi, … có mềm mại bất động chưa.
Chúng ta gọi việc kiểm tra thường xuyên như thế là công phu điều thân.
Việc bạn tác ý giữ thân mềm mại bất động lâu ngày, sẽ giúp cho việc nhiếp tâm vào định sau này.
Sau khi kiểm tra tư thế ngồi kiết già đúng và đẹp là việc kiểm tra toàn thân bạn có mềm mại bất động hay chăng.
Thân càng yên, tâm càng lắng và ổn định dần, stress càng nhanh chóng được giải tỏa.
Thân càng trang nghiêm, tâm bạn càng sâu sắc.

Nếu bạn biết mờ mờ ảo ảo, bạn sẽ dễ bị hôn trầm.
Khi buồn ngủ, bạn nên tìm lý do vì sao, có phải bạn làm việc quá sức, cơ thể mệt mõi, bạn ngủ không đủ giấc….
Thân và tâm chỉ là một thể thống nhất.
Kiểm soát tư thế là việc điều thân bước đầu.
Kiểm soát tư thế mềm mại bất động hay không là điều thân ở mức độ sâu hơn.

Bạn giữ được thân mềm mại bất động, bạn sẽ giữ được tâm bất động, nhất là khi phải đối diện nghịch cảnh.
Điều thân đúng là bắt đầu và cũng là vĩnh viễn.
Bạn phải thực hành điều thân cẩn thận và chuyên tâm khoảng một tháng (30 ngày) và mỗi lần thực tập 30 phút.

IV. QUÁN TƯỞNG.
Sau khi điều thân, bạn sẽ tự nhắc mình như sau:
i. Thân này là vô thường
ii. Tâm này là vô ngã

V. HƠI THỞ.
- Hơi thở vào, biết rõ hơi thở vào.
- Hơi thở ra, biết rõ hơi thở ra.
- Hơi thở vào dài, biết rõ hơi thở vào dài.
- Hơi thở vào ngắn, biết rõ hơi thở vào ngắn.
Bạn nên nhớ một điều quan trọng: Bạn biết rõ mà không can thiệp vào hơi thở, không điều khiển hơi thở.
Bạn chỉ biết rõ hơi thở bạn trong lúc ngồi thiền mà thôi.
Bạn cũng nên tránh 2 cực đoan về hơi thở là:
- Không biết rõ về hơi thở.
- Biết và can thiệp vào hơi thở.
Con đường trung đạo của phuơng pháp hơi thở là: “Biết rõ một cách thụ động mà không hề điều khiển hơi thở”.
Khi bạn điều khiển hơi thở, sự tác ý này làm cho hơi thở bị bế tắc và bản ngã tăng trưởng.
Nội tâm bạn yên tĩnh, hơi thở bạn càng êm dịu và dài.
Sau khi biết rõ hơi thở, bạn nên chú tâm phần bụng và dưới chân để giúp khí lực lắng xuống và giúp cho não ổn định trong sự tu tập.
Những điều chúng ta thực hành là:
- Biết rõ toàn thân.
- Phải biết rõ vùng bụng và vùng chân nhiều.
- Biết rõ ràng hơi thở không hề lầm lẫn, mơ hồ.

VI. CHƯỚNG NGẠI.
Nếu gặp chướng ngại như vọng tưởng, ảo giác, hôn trầm, quay về biết rõ toàn thân. Nếu chướng ngại vẫn còn, phải hiểu rằng nghiệp đã chi phối việc tu tập, bạn nên quán nghiệp, thầm sám hối những lỗi lầm quá khứ.

VII. HƠI THỞ RA VÀO VÀ THIỀN ĐỊNH.
- Hơi thở vào, biết rõ toàn thân.
- Hơi thở ra, biết rõ toàn thân.
- Hơi thở vào, biết rõ thân này là vô thường.
- Hơi thở ra, biết rõ thân này là vô thường.
- Hơi thở vào, nguyện lòng thương yêu chúng sinh.
- Hơi thở ra, nguyện lòng thương yêu chúng sinh.
- Hơi thở vào, biết tâm này còn phiền động.
- Hơi thở ra, biết tâm này còn phiền động.
http://anhtien3589.blogspot.com/

VIII. XẢ THIỀN.
- Chúng ta nguyện thương yêu tất cả chúng sinh.
- Chúng ta nguyện giúp cho mọi người thực hành thiền và an vui trong chánh pháp.
- Sau đó, thực hiện xoa bóp như sau:
  • Cúi đầu lên xuống chừng 5 đến 10 lần.
  • Xoay đầu qua lại chừng 5 đến 10 lần.
  • Chuyển động vai lên xuống theo hình tròn chừng 5 đến 10 lần.
  • Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng, mỗi bên chừng 5 đến 10 lần. Xoa bóp hai bàn tay và hai cánh tay.
  • Chà xát hai bàn tay nhiều lần cho nóng, rồi áp vào đôi mắt. Chà xát hai bàn tay rồi xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy … chừng 30 giây.
  • Chà xát ngực, bụng, sườn và lưng.
  • Duỗi chân ra, xoa bóp nhẹ nhàng.
  • Ngồi lại tại chỗ một chút cho thoải mái.     http://anhtien3589.blogspot.com/

0 comments:

Đăng nhận xét

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | JCPenney Coupons